Blog Details

story

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp: Tâm và tài của một tâm hồn văn chương

Lâu nay, giới quản lý và khoa học cả nước đã quen thuộc với tên tuổi của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp trong tư cách một nhà quản lý xuất sắc - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính kiêm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ông đồng thời còn là nhà khoa học về tài chính hàng đầu, tác giả của 12 đầu sách về các khía cạnh chuyên ngành đậm chất hàn lâm của tài chính - kinh tế, một lĩnh vực công việc mà ông vốn tâm huyết, gắn bó. Tròn 10 năm trước, sau khi nghỉ hưu, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp tiếp tục chuyển qua lĩnh vực giáo dục đào tạo và tiếp tục đảm nhiệm những trọng trách không nhỏ (hiện ông là Phó hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội).

Những trang viết của tác giả Nguyễn Công Nghiệp thấm đẫm hoài niệm, chất văn, lôi cuốn người đọc từ trang đầu cho đến khi gấp cuốn sách lại.

Bởi vậy, giữa bộn bề công việc của sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học, ở độ tuổi không còn trẻ, việc Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp bất ngờ trình làng hai tập sách thuần túy văn chương “Cõi xưa” (Tập truyện ký, NXB Hội Nhà văn năm 2023) và “Minh Chuyên - Cây bút hậu chiến” (Tập bút ký, NXB Hội Nhà văn năm 2024) gây ngỡ ngàng cho độc giả, văn giới và những người biết tới ông lâu nay.

Điều đặc biệt hơn, những trang viết của ông thấm đẫm hoài niệm, chất văn, lôi cuốn người đọc từ trang đầu cho đến khi gấp cuốn sách lại. Nhiều trang văn, trường đoạn, tác giả khiến người đọc rưng rưng, rơi lệ và thậm chí là phải đọc lại nhiều lần. Điều này cho thấy chất văn vốn tiềm ẩn lâu nay trong con người khoa học, con người quản lý và đã đến lúc bung mở.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp: Tâm và tài của một tâm hồn văn chương
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp (ngoài cùng bên phải) và nhà văn Minh Chuyên (ngồi cạnh) tại buổi lễ ra mắt sách sáng 28/8. Ảnh: Đức Minh

Nhà văn Thái Chí Thanh - Biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người trực tiếp biên tập hai cuốn sách của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp bày tỏ: “Anh Nghiệp làm tôi bất ngờ bởi bút lực và cảm xúc dồn nén chảy tràn qua những trang viết. Phẩm chất của nhà khoa học khiến tập truyện ký “Cõi xưa” chia 5 phần rất logic nhưng thấm đẫm chất người, chất đời sống mà ở đó, mỗi chúng ta như đều được gặp lại ông bà cha mẹ mình cũng như các bậc tiền nhân. Đặc biệt, những trang viết về nạn đói năm 1945, về hình ảnh người mẹ, anh Nguyễn Công Nghiệp đã làm nổi bật một biểu tượng tiêu biểu của người mẹ Việt Nam chờ chồng, thờ chồng, hết lòng nuôi con khôn lớn, thành tài. Đây là những trang viết thực sự day dứt ám ảnh. Các nhân vật trong truyện ký “Cõi xưa” như ông Tấn đều phản ánh bối cảnh xã hội miền Bắc một thời, mang trọn vẹn nỗi đau của đất nước, dân tộc”.

Phát biểu đầy xúc động tại lễ ra mắt hai tập sách “Cõi xưa” và “Minh Chuyên - Cây bút hậu chiến” sáng 28/8/2024 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà văn Đào Bá Đoàn - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận xét hai tác phẩm của tác giả Nguyễn Công Nghiệp khiến độc giả cảm nhận được những giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt, đó là sự tri ân với tổ tiên, với quá khứ. Chỉ những câu chuyện xoay quanh ký ức tuổi thơ của tác giả nơi miền quê nghèo Trà Giang, Kiến Xương, Thái Bình qua các phần mở đầu của tập sách “Cõi xưa” đó là “Người mở cõi” và “Song thân” đã là sự khái quát rất cao đời sống văn hóa Việt của mỗi dòng họ, gia đình Việt Nam trong hành trình chinh phục thiên nhiên (lập làng, khai phá vùng đất mới), hành trình vượt lên những biến cố của lịch sử, thời cuộc để nuôi dưỡng những giá trị nhân bản âm thầm, mãnh liệt làm nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Những điều đó rất cần cho lớp người trẻ hôm nay đọc, suy ngẫm, thấu tỏ và tiếp bước gìn giữ…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp: Tâm và tài của một tâm hồn văn chương
Cuốn sách "Minh Chuyên cây bút hậu chiến" của tác giả Nguyễn Công Nghiệp. Ảnh: Đức Minh

Rưng rưng phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách, Phó Giáo sư, Tiến sĩ - Nhà phê bình văn học Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã khiến hàng trăm độc giả có mặt trầm mặc, xúc động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng khẳng định tác giả “Cõi xưa” và “Minh Chuyên - cây bút hậu chiến” đã làm bà đi từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Nếu như "Cõi xưa" là ký ức của một người học trò nghèo lớn lên từ nông thôn, thấm đẫm bao cơ cực, mang theo nỗi đau mất cha (cha tác giả hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ), vươn lên, bước ra trở thành một trí thức tiêu biểu của đất nước đổi mới, thì "Minh Chuyên - Cây bút hậu chiến" là một vỉa tầng khác. Ở đây, tác giả Nguyễn Công Nghiệp đã gặp một tri âm, tri kỷ là nhà văn Minh Chuyên, cây bút hậu chiến với những bút ký về thân phận người lính lay động, nổi tiếng trong ngoài nước suốt mấy chục năm qua. Với việc nhân vật chính của các bài ký là những cuộc gặp gỡ của tác giả với những nhân vật trong các bút ký của nhà văn Minh Chuyên, một lần nữa, anh Nguyễn Công Nghiệp đã thành công khi đưa con người vào trang sách. Những lát cắt thân phận các cựu binh, gia đình người có công với góc nhìn số phận, nhân văn cho thấy cái tâm đau đáu của tác giả. Ấn phẩm thêm ý nghĩa khi hướng tới tôn vinh một nhà văn".

Với người viết bài này, lễ ra mắt hai tác phẩm "Cõi xưa" và "Minh Chuyên - cây bút hậu chiến" của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghiệp ngày 28/8/2024 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã vượt ra ngoài khuôn khổ một buổi ra mắt sách thông thường. Hai tác phẩm hàm chứa những điều ý nghĩa, lớn lao mà mỗi người Việt hôm nay rất cần gìn giữ, hướng đến; vượt lên những cảm xúc cá nhân đơn thuần. Xin lấy hai câu thơ của Giáo sư, Tiễn sĩ Nguyễn Công Nghiệp thay cho lời kết:

"Mẹ tôi như nhánh mạ gầy

Hoá thân thành bát cơm đầy, nuôi tôi!".

Chúng tôi có thể sử dụng cookie hoặc bất kỳ công nghệ theo dõi nào khác khi bạn truy cập trang web của chúng tôi, bao gồm mọi hình thức phương tiện truyền thông, tìm hiểu thêm

Cho phép